Tấm pin năng lượng mặt trời, vòng tuần hoàn từ mái nhà đến tái chế

Những năm vừa qua, Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng và phát triển của các dự án năng lượng mặt trời đối với khối khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và công nghiệp với tốc độ đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, những lợi ích về tiết kiệm cũng như những giá trị bảo vệ môi trường dù đã được khá nhiều người công nhận, vẫn còn rất nhiều hoài nghi về tương lai của những tấm pin năng lượng này sẽ đi về đâu khi mà chúng đã hết vòng đời sử dụng.

Tấm pin năng lượng mặt trời có tuổi thọ bao lâu?

Thông thường, những tấm pin năng lượng mặt trời có tuổi thọ từ 25 đến 30 năm tương đương với thời gian bảo hành sản lượng điện tuyến tính do các nhà sản xuất có thương hiệp Cấp 1 thế giới cung cấp. Một nghiên cứu năm 2012 được thực hiện bởi Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Hoa Kỳ (NREL) chỉ ra rằng các tấm pin năng lượng mặt trời có thể tồn tại đến 30 năm hoặc lâu hơn nếu chúng được vận hành và bảo trì đúng cách, và vẫn tạo ra sản lượng điện dù bị giảm nhẹ.

Tấm pin năng lượng mặt trời bị nhầm lẫn trong cách gọi tại Việt Nam

Tại Việt Nam, tồn tại một sự nhầm lẫn lớn trong suy nghĩ của rất nhiều người khi cho rằng tấm pin năng lượng mặt trời là một sản phẩm độc hại cho môi trường. Sự nhầm lẫn này bắt nguồn từ cách mà người Việt Nam chúng ta gọi sản phẩm này là “pin” (battery). Ngay cả trong tiếng Anh, ngôn ngữ đại chúng vẫn thường sử dụng là “tấm” hoặc “bảng” (panel). Trên thực tế, từ ngữ kỹ thuật chính xác nhất để gọi tên những sản phẩm này phải là mô-đun quang điện (PV Module). Khái niệm của một Mô-đun (Module) trong lĩnh vực điện tử là một tập hợp của các linh kiện điện tử được gắn kết lại để thực hiện một chức năng nhất định nào đó. Mô-đun Wifi dùng để phát tín hiệu kết nối Internet là một ví dụ điển hình.

Chính sự nhầm lẫn trong cách gọi, một mô-đun quang điện lại bị gọi với cái tên là “pin”, nên mô-đun quang điện thường bị ngộ nhận là một sản phẩm gây hại cho môi trường sau khi sử dụng. Hiện nay, pin (battery) năng lượng mặt trời chính là bộ lưu trữ năng lượng đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng. Sản phẩm này cũng vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu và hoàn thiện nhằm giảm giá thành để nhanh chóng đến tay người tiêu dùng. Có thể nói khái niệm “pin” (battery) và “mô-đun” (module) là hoàn toàn khác nhau, từ đó suy ra bản thân sản phẩm mô-đun quang điện hay “tấm pin năng lượng mặt trời” theo cách gọi tại Việt Nam không phải là sản phẩm độc hại cho môi trường.

Tấm pin năng lượng mặt trời có thể tái chế được hay không?

Một tấm pin năng lượng mặt trời chỉ được xem là “chết” khi nó không còn khả năng tạo ra điện. Nhà cung cấp giải pháp năng lượng sạch uy tín từ Anh Quốc – GreenMatch chỉ ra rằng “dù rác thải của pin năng lượng mặt trời vẫn được phân loại là rác thải bình thường, các nhà sản xuất pin mặt trời bị ràng buộc bởi luật pháp để đáp ứng các yêu cầu pháp lý cụ thể và tiêu chuẩn tái chế để đảm bảo rằng các tấm pin mặt trời không trở thành một gánh nặng cho môi trường.”

Vậy, các tấm pin Mặt trời có thể tái chế được không? Vâng, câu trả lời là hoàn toàn có thể. Hầu hết các tấm pin mặt trời được sử dụng ở Việt Nam là dạng silicon (Si). Tấm pin năng lượng mặt trời Silicon (Si) chủ yếu bao gồm thủy tinh, nhựa và nhôm; những nguyên vật liệu có thể được tái chế với số lượng lớn. Kính được sử dụng để bảo vệ bề mặt của tấm pin, nhựa được dùng ở mặt trước và mặt sau của tấm EVA (Ethyl Vinyl Acetate), để bảo vệ các kết nối của những tế bào quang điện và nhôm là vật liệu ở khung của tấm pin năng lượng mặt trời.

Quy trình tái chế tấm pin năng lượng mặt trời như thế nào?

Theo CED Green Tech, một công ty điện và cũng là nhà phân phối các thiết bị năng lượng mặt trời hàng đầu tại Bắc Mỹ, các công đoạn chủ yếu để tái chế thành công một sản phẩm pin năng lượng mặt trời là:

  1. Tách rời khung tấm pin, nhôm có thể tái sử dụng 100%
  2. Tháo lớp kính bảo vệ, thủy tinh có thể tái sử dụng 95%
  3. Xử lý nhiệt ở nhiệt độ 500oC để làm bay hơi những thành phần nhỏ làm từ nhựa, khiến cho việc tách các tế bào quang điện trở nên dễ dàng hơn
  4. Khắc tấm wafer làm từ silicon và nấu chảy để tái sử dụng đến 85%

Mặc dù quy trình tái chế tấm pin năng lượng mặt trời có thể sẽ phải yêu cầu những máy móc, thiết bị phức tạp, công nghệ và tính thực tiễn của nó vẫn luôn không ngừng phát triển. Những nghiên cứu được thực hiện về chủ đề tái chế các tấm pin mặt trời đã cho ra đời nhiều công nghệ mới, theo đó một số công nghệ có thể cải thiện hiệu suất tái chế lên tới 96%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn đang cố gắng nâng cao mức này để có thể đạt được hiệu suất tái chế gần 100% trong tương lai.

VSSES đã có những chuẩn bị gì cho việc tái chế sản phẩm pin năng lượng mặt trời?

Là một nhà đầu tư và phát triển các dự án năng lượng mặt trời, VSSES luôn cam kết mang lại cho khách hàng những giải pháp có chất lượng tốt nhất với những giá trị thương cao nhất và đồng thời bảo vệ môi trường.

Là công ty liên doanh giữa tập đoàn năng lượng Sembcorp Singapore với tổng công ty Becamex IDC và VSIP, VSSES thừa hưởng cả kinh nghiệm và những giá trị cốt lõi từ họ. Trong trường hợp này, đó là một kế hoạch kinh tế xoay vòng dành cho những tấm pin năng lượng mặt trời. Tập đoàn Sembcorp, một cổ đông lớn của VSSES, đã công bố hợp tác với Trường Bách khoa Singapore (Singapore Polytechnic) vào ngày 23 tháng 1 năm 2019, để thương mại hóa cơ sở tái chế tấm pin năng lượng mặt trời ở Singapore vào năm 2023.

Hiện tại, Sembcorp và Singapore Polytechnic đang cùng nhau phát triển một nhà máy tái chế thí điểm cho các tấm pin mặt trời. Công nghệ được phát triển sẽ được sử dụng để giúp tái chế các sản phẩm tấm pin từ các dự án năng lượng mặt trời áp mái của Sembcorp đặt tại các khu nhà ở công cộng, trường học, cơ sở chính phủ cũng như các cơ sở thương mại và công nghiệp tư nhân. (Nguồn: The StraitsTimes)

Mặc dù công nghệ tái chế cho tấm pin năng lượng mặt trời vẫn đang được nghiên cứu và chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn để đưa vào thương mại hóa một cách thực tế, hành động chuẩn bị ban đầu này là vô cùng cần thiết để đảm bảo lợi ích lâu dài từ việc sử dụng năng lượng mặt trời cũng như loại bỏ sai lầm phổ biến của nhiều người khi tin rằng tấm pin mặt trời sẽ là một chất thải độc hại gây tác hại đến môi trường.

Qua đó, khách hàng của VSSES có thể tận hưởng những lợi ích kinh tế từ giải pháp năng lượng mặt trời áp mái trong hiện tại và nhiều năm tiếp theo với sự an tâm rằng các tấm pin mặt trời hoàn toàn thân thiện với môi trường trong suốt vòng đời của chúng và hơn thế nữa!

Tác giả: Hai. L – Phòng phát triển kinh doanh – VSSES